0

Chưa có sản phẩm trong giỏ hàng.

Tiếng Việt
English
Đồ điện tử gia dụng cũ hỏng được xử lý như thế nào
04 tháng 01 2022

Đồ điện tử gia dụng cũ hỏng được xử lý như thế nào

Mỗi quốc gia có chính sách riêng để xử lý, thu gom và tái chế các thiết bị điện tử cũ hỏng đã qua sử dụng của người tiêu dùng.

Ngày nay, các thiết bị điện tử gia dụng như TV, tủ lạnh, điều hòa không khí, máy giặt và nhiều đồ dùng gia đình khác đã trở thành thứ thiết yếu trong các hộ gia đình. Nhu cầu nâng cấp, thay thế cũng ngày càng trở nên phổ biến, khiến cho lượng thiết bị cũ bị loại bỏ dần tăng lên.

Tuy nhiên, khác với các món đồ khác, thiết bị điện tử gia dụng không chỉ gồm kính, nhựa và kim loại mà còn chứa rất nhiều loại vật liệu độc hại, kim loại nặng có thể ảnh hưởng đến con người và môi trường. Hầu hết quốc gia trên thế giới chưa có luật quy định cụ thể về cách xử lý rác thải điện tử và phần lớn chúng vẫn được xử lý bằng cách chôn lấp, gây ô nhiễm đất và nguồn nước. Luật pháp quốc tế cũng cấm các quốc gia xuất khẩu loại rác thải điện tử này. Tuy nhiên, chúng vẫn được ngụy trang bằng dưới hình thức buôn bán đồ cũ.

Trên thực tế, nhiều quốc gia đang phải đối mặt với khó khăn trong việc tái chế các thiết bị điện tử đã qua sử dụng. Số lượng các thiết bị được tái chế vẫn chỉ là phần nhỏ so với các sản phẩm mới được đưa vào thị trường. Theo ZOL, dưới đây là cách mà một số nước tiêu biểu đang áp dụng.

Một số thành phố như New York hay Washington, các bộ luật yêu cầu chính nhà sản xuất phải thu hồi sản phẩm do mình làm ra thông qua các điểm thu gom tái chế tập trung, hoặc thuê các công ty bên thứ ba phụ trách. Người dân chỉ việc vận chuyển thiết bị tới các địa điểm tập trung này, các đơn vị nói trên sẽ tập kết chúng về kho và tiến hành phân loại.

Nếu không thể tái sử dụng, các thiết bị sẽ được đốt hoặc tháo rời linh kiên để lấy kim loại quý. Một số công ty lớn có quy trình và hệ thống thu gom, đánh giá và tái chế sản phẩm khá chuẩn mực. Một phần để thể hiện trách nhiệm xã hội, nguyên nhân khác để tránh việc xuất hiện các sản phẩm giả, nhái trên thị trường.

Để bỏ một thiết bị điện tử gia dụng ở Nhật Bản, điều đầu tiên cần xem xét không phải là nó có thể bán được bao nhiêu tiền mà là phải tốn bao nhiêu chi phí tái chế để chi trả cho các tổ chức có liên quan.

Luật về tái chế đồ gia dụng của Nhật Bản, có hiệu lực với các sản phẩm bao gồm TV, tủ lạnh, máy giặt máy sấy và điều hòa không khí… yêu cầu chính nhà sản xuất thiết bị phải chịu trách nhiệm về việc tái chế các thiết bị cũ hỏng. Điều này có nghĩa là các công ty phải thành lập hoặc thuê các nhà máy tái chế xử lý. Trong khi đó, việc thu gom vận chuyển các thiết bị này tới nhà máy tái chế thuộc về trách nhiệm của các nhà phân phối sản phẩm. Tuy nhiên, người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm chi trả chi phí cho hai công việc kể trên.

Theo thống kê, một người tiêu dùng Nhật Bản phải trả khoảng 23,5 USD (khoảng 500.000 đồng) cho đơn vị bán lẻ hoặc bưu điện khi muốn loại bỏ một thiết bị điện tử gia dụng cũ hỏng. Sau đó, họ sẽ nhận được thông tin về thời gian và địa điểm để giao thiết bị cho đơn vị tái chế.

Matsushita Kanto là một công ty chuyên xử lý các thiết bị gia dụng cũ hỏng. Kể từ năm 2011, công ty xử lý trung bình mỗi năm 550.000 thiết bị. Nhựa và các loại kim loại được tháo ra, nghiền nát và tinh chế. Một phần được bán lại cho các công ty như Panasonic hay Mitsubishi, số khác được bán ra bên ngoài. Đơn vị này thậm chí còn sử dụng nhà máy như một lớp học để giáo dục cộng đồng về quy trình tái chế rác thải điện tử.

Tại Nhật Bản, các thiết bị điện tử gia dụng cũ được xem là “một kho báu”. Tủ lạnh có thể tái chế tới 50% thép và 40% nhựa; TV có thể tháo rời 57% kính, 23% nhựa và 10% thép; máy giặt có thể tháo dỡ 53% thép và 36% nhựa; điều hòa không khí có thể lấy ra 55% thép, 17% đồng, 11% nhựa và 7% nhôm.

Chưa hết, trong quy trình sản xuất thiết bị gia dụng ở Nhật Bản, có một yêu cầu pháp lý nghiêm ngặt đối với tỷ lệ tài nguyên có thể tái chế. Ví dụ, một chiếc TV phải được thiết kế để đảm bảo rằng hơn 50% vật liệu trong tổng trọng lượng của nó có thể tái chế trong tương lai. Tỷ lệ này ở tủ lạnh, máy giặt và điều hòa không khí thậm chí còn cao hơn, có thể đạt 60% đến 70%.

Ở quốc gia này, các nhà sản xuất phải trả một số tiền nhất định khi tạo ra sản phẩm. Nếu họ thành công trong việc tái chế sản phẩm này trong tương lai, chính phủ sẽ hoàn trả lại số tiền này. Các hãng sản xuất thiết bị lớn cũng phải ký thỏa thuận với chính phủ trong việc chú ý đến vấn đề tái chế các thiết bị đã qua sử dụng. Đây cũng là lý do các thiết bị được phun sơn ngày càng ít sử dụng, bởi nó là loại vật liệu khó có thể tái chế trong tương lai.

Còn người tiêu dùng có thể liên hệ với các trung tâm hỗ trợ và trang web do chính phủ tạo ra để được giúp đỡ khi cần xử lý đồ điện tử cũ hỏng.

Tại Australia, các hội đồng thành phố thường xuyên tổ chức các ngày hoặc tuần lễ tái chế đồ gia dụng cũ, hỏng trên quy mô lớn ở từng vùng và khu vực khác nhau.

Đó là thời điểm mà mọi người sẽ mang các thiết bị cũ, hỏng đem ra bỏ ngay trước cửa nhà. Nếu thiết bị đó còn dùng tốt, một mảnh giấy sẽ được gắn lên để thông báo. Mọi người có thể trao đổi các món đồ cũ với nhau, hoặc trả một số tiền nhỏ mang tính tượng trưng để lấy món hàng cần thiết. Số thiết bị còn lại sẽ được đem đi tái chế. Chính quyền thành phố sẽ đem xe tới từng khu vực để thu gom toàn bộ.

Đây được xem là một chiếc dịch hiệu quả và theo tính toán, đến khoảng năm 2022, tỷ lệ tái chế các sản phẩm điện tử như máy tính và TV tại quốc gia này có thể đạt tới 80% hoặc cao hơn.

Theo thống kê, mỗi năm Trung Quốc loại bỏ hơn 20 triệu thiết bị điện tử gia dụng và các nhà máy tái chế cũng được dự báo sẽ xuất hiện ngày càng nhiều trong những năm tới. Bởi trên thực tế, đây cũng là ngành công nghiệp trị giá hàng triệu USD, nuôi sống không ít người dân địa phương cũng như các công ty lớn nhỏ.

Từng là nơi tiếp nhận rác thải của cả thế giới, Trung Quốc giờ đây đang đẩy mạnh việc tập trung giải quyết lượng rác thải của chính mình tạo ra. Mục đích hướng đến vừa để bảo vệ môi trường vừa cung cấp nguyên liệu cho các ngành sản xuất.

Baidu, một trong những công ty công nghệ hàng đầu đã phát triển ứng dụng trên điện thoại thông minh có tên gọi “Recycling Station” (Trạm tái chế), dưới sự hỗ trợ của chính phủ. Khi sử dụng, người dùng chỉ cần bật lên, chọn sản phẩm mình muốn tái chế trong danh mục. Sau đó, chọn thêm kích cỡ và ngày muốn xử lý, rồi chụp một bức ảnh sản phẩm, ghi địa chỉ nhà. Đến thời điểm nói trên, sẽ có người đến đem thiết bị đi tái chế. TCL là một trong những nhà sản xuất hàng điện tử lớn đã đi đầu trong việc xử lý thiết bị cũ thông qua ứng dụng này. Mỗi năm, công ty tái chế khoảng 100.000 tấn rác thải điện tử.

Bình luận đã đóng